Lần đầu nhìn thấy rươi chắc hẳn ai cũng thấy loài vật này thật
kinh dị bởi nó gần giống đỉa lai rết với
thân hình nhũn nhũn nhưng rất nhiều chân. Thân hình rươi mềm mềm sặc mùi tanh
tanh với đủ màu sắc xanh nhờ nhờ, đỏ đùng đục, vàng mờ mờ, lại có khi xám bạc
như màu bạc ô… quằn quại trong một thứ nhớt quánh như hồ. Nhớt đó, người ta gọi
là vấn và chính cái vấn đó đã nuôi sống con rươi trên cạn. Nhưng một điều vô
cùng thú vị là cái con vật xấu xí “đáng sợ” ấy khi đã qua bàn tay khéo léo của
các bà nội trợ lại trở thành “đặc sản” thơm ngon khó quên.
Không chỉ dân Việt mới có cái tục rủ nhau đi xúc rươi về nhà
ăn như một thứ trân hào. Thú vị thay có
rất nhiều dân sống trên những hải đảo ở Nam Thái Bình Dương cũng mở hội đi xúc
rươi. Rươi ở vùng này sống vùi đầu vô các vách san hô duyên hải, chứ không
trong lớp bùn đất dưới đáy ruộng như ở ta. Nếu ở Việt Nam, rươi động tình trời
rung đất chuyển thì ở vùng hải đảo, ái tình rộ nở thì cây cỏ đơm hoa, vầng
trăng trở nên huyền ảo. Người dân ở quần đảo Fiji, cứ mỗi khi thấy bụi hoa
Aloals và dây hải tảo nở bông đỏ rực rỡ họ biết đó là dấu hiệu tiên báo về mùa đẻ trứng
của loài rươi.Đêm ngóng ngày chờ, họ ngắm vầng trăng mọc ở chân trời vào buổi
bình minh đến mười ngày sau là rươi đẻ trứng.
Ở đảo Savaii, mỗi khi thấy cua còng trên bãi biển lũ lượt từ
đám dầy đặc rủ nhau xuống biển đẻ trứng là dân đảo biết 3 ngày sau rươi sẽ xuất
hiện.
Đối với người dân thường từ xưa đến nay, con rươi và chu kỳ
sự xuất hiện của nó được xem như là một hiện tượng sinh sản về sinh vật học tự
nhiên của Tạo Hóa. Tên khoa học của rươi tại Việt Nam và Nam Trung Hoa là
Tylorynchus sinensis. Mình hơi lép, màu xanh lục nhạt hay hồng hồng, dài 6-7
cm, rộng 5-6 mn, gồm hơn 50 đốt, mỗi đốt đều chứa cơ quan sinh dục riêng rẽ...
Rươi ở vùng Thái Bình Dương có tên khoa học là Eunice viridis. Rươi thuộc môn
loại Đa mao trong môn bộ Nhuyễn trùng hay Hoàn trùng, tức là loài sâu có lông
nhỏ, mình mềm gồm nhiều đốt. Về sinh thái, giống rươi sống chui rúc ở đáy ruộng
hay vách san hô, khó mà đào lấy toàn bộ chúng ra vì mình nó dài và mềm nhũn
nhưng đầu chúng có nhiều râu là cơ quan cảm giác bám hút vào đáy với một ống thực
quản có thể lộn ngược ra với nhiều răng mạnh chắc. Đều đặn hàng năm hai lần cực
kỳ chính xác, thân mình rươi đứt làm hai, nửa phần cứ bám trụ vào đất, còn phần
đứt rời kia trở thành một con rươi khác bơi trong nước. Đến mùa động tình, con
rươi mới này thay hình đổi dạng hẳn. Những bắp thịt và bao nhiêu ruột gan bên
trong thoái hóa trong lúc những bộ phận sinh dục của từng đốt rươi nẩy nở nhanh
khủng khiếp. Những cặp chân càng lú ra, càng giống những mái chèo. Đáo hạn sau
một thời gian nào đó, con rươi này trở lại lỗ hang cũ, với cái đầu rúc vào thật
sâu trong lỗ, còn phần đuôi vẫn ngo ngoe
ra, rồi lại đứt rời để lội thong dong và bơi nổi lên mặt nước giống như những
con rươi mới tự tìm đường với cặp mắt thô sơ. Trong khi khúc kia với cái đầu nằm
trong hang lỗ và phát triển để mọc lại phần đuôi mới.
Những khúc rươi mới lội tung tăng trong nước, tưởng chừng là
những con rươi mới, kỳ thực chỉ là những bọc chứa đầy ắp những tinh trùng và
noãn tử. Nổi lên mặt nước, những bọc này vỡ ra để tuôn ra tất cả tinh trùng và
noãn tử, còn cái vỏ thì chìm xuống làm mồi cho cá. Những tinh trùng và noãn tử
tha hồ kiếm nhau mà kết hợp và sinh ra những cái trứng, từ trứng nở ra cơ man
hàng hà sa số con ấu trùng.
Như vậy, loài rươi sinh sản bằng hình thức đại diện (proxy)
với khúc đầu nằm an toàn trong lỗ, nhưng lại oái oăm «biệt phái» khúc đuôi đi
giao cấu! Hiện tượng lạ lùng này thật khó mà quan niệm nổi vì do một nguyên
nhân nào mà có một sự giao cấu thụ tinh vĩ đại cùng một giây phút mỗi năm. Khi
hiện tượng này xẩy ra, thì mặt sông mặt biển lúc nhúc hàng triệu triệu con
rươi, nước đục lờ với tinh trùng và trứng. Nó chỉ xuất hiện giới hạn vào hai kỳ
thủy triều thấp nhất của tháng 10 và tháng 9, xuất hiện vào buổi bình minh, vào
ngày trước và đúng ngày mặt trăng ở vào phần tư cuối của nguyệt tuần.
Làm sao những con rươi tính toán thời điểm đẻ trứng một cách
chính xác, điều này chưa ai rõ. Những con rươi nằm sâu dưới đáy biển, đáy sông
không thể biết được lúc nào thì trăng khuyết, lúc nào trăng đầy, có lẽ trong cơ thể rươi có một cái đồng hồ điện
tử được cài đặt chính xác với chu kỳ tuần tự nhật dạ và với sự thay đổi của thủy
triều nhưng cũng có thể khi những con rươi đầu tiên tự đứt khúc đã phóng thích
ra một kích thích tố, chất này đã bật đèn xanh cho hằng hà sa số con rươi khác
sẵn sàng nhập cuộc chơi giao hoan!
Tuy rằng nguyên nhân cơ cấu còn tối mịt, hiện tượng «rươi»
là một lợi điểm trong sự sinh sản của chúng sinh trong thiên nhiên, khiến cho
xác suất thụ tinh và sinh trứng, nở con được nâng cao lên tối đa. Trong nhiều
loài hải sản, nhất là giống sò mà số phận chỉ nằm an vị một chỗ trong cái vỏ cứng
làm sao tung tăng đi kiếm bạn lứa đôi mà giao tình và sanh sản. Loài sò chỉ chờ
dịp tốt giới hạn hai lần mỗi tháng, là lúc trăng mới nhú và trăng rằm mà há vỏ
ra chẳng phải hát khúc tình ca mà chính là «nhổ» tuôn tràn ra những đợt tinh
trùng và noãn tử mà giao hoan. Ở vùng biển Tây Ấn độ, có một loài rươi tương tự
là Eunice fucata, giao hoan tập thể hai lần trong khoảng phần ba của tuần trăng
trong tháng 6 và tháng 7. Ở miền Nam, vùng biển Phú Quốc, nghe đâu cũng có loài
«cá đường» mở hội tình tập thể như ở duyên hải California có loại cá Grunion xuất
hiện đặc lền mặt biển vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 9 sau ngày trăng mới nhú
hay trăng rằm.
Con rươi bé nhỏ nổi trên mặt nước mỗi lần thuỷ triều với những
món ăn được chế biến từ nó đã làm ai đi xa cũng phải nhớ. Chẳng biết từ lúc
nào, rươi gắn với văn hóa Việt, trở thành ẩm thực bình dân tinh tế, đậm đà...
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét